Bạn có dám ăn thử những món đặc sản kinh khủng nhất hành tinh?
Trứng vịt lộn, mắt cá hồi, đầu cừu, súp dơi... là những món ăn đặc trưng của các nền văn hóa nhưng có thể khiến du khách phát hoảng ngay từ cái nhìn đầu tiên.
Mắt cá ngừ (Nhật Bản)
Đây là một trong những món đặc sản lạ lùng nhất của Nhật Bản. Mắt cá ngừ có giá không hề rẻ, và được coi là món dành cho những người “có khẩu vị đặc biệt” ở các nhà hàng. Phần con ngươi và ổ mắt rất cứng, chỉ phần đông lại giống như thạch sau khi hấp là ăn được.
Phô mai Casu Marzu (Italy)
Món ăn truyền thống của người dân đảo Sardinia này còn được gọi là “phô mai giòi” và có thể khiến nhiều du khách phát hoảng khi nhìn thấy lần đầu. Phô mai làm từ sữa dê được cắt một lỗ và để ra ngoài trời để ruồi đẻ trứng vào trong. Trứng ruồi nở thành giòi, ăn phô mai và thải ra chất béo, protein, đường. Phô mai được ăn khi những con giòi còn sống. Tuy nhiên, nhìn miếng phô mai đầy những ấu trùng lúc nhúc này, hiếm du khách có đủ can đảm để thưởng thức.
Đầu cừu (Nam Phi)
Trước hết, phần não được bỏ đi, sau đó đầu cừu được hầm với gia vị cà ri. Nhiều người cho rằng phần tai và mắt là ngon nhất, nhưng đúng là món ăn này không dễ nhìn chút nào.
Súp dơi (Indonesia)
Loại dơi ăn hoa quả này được hầm nhừ với các loại rau thơm và gia vị. Thịt dơi được nhiều quốc gia Đông Nam Á và châu Phi yêu thích, nhưng nhìn thấy cả con dơi đen xì trong bát súp khiến du khách nước ngoài thấy sợ.
Trứng vịt lộn (Đông Nam Á)
Món ăn này rất phổ biến tại các quốc gia như Việt Nam, Philippines, Campuchia, Lào... Trong đó, trứng vịt được ấp khoảng 16-20 ngày, sau đó luộc chín và ăn kèm các loại rau thơm.
Đầu cá thối (Alaska)
Người Yupik cho đầu cá hồi vào thùng gỗ sau đó chôn dưới đất nhiều tuần cho chúng lên men. Mùi và hình dạng của món đặc sản này đủ để khiến các du khách chạy xa.
Bạch tuộc sống (Hàn Quốc)
Nakji là một loại bạch tuộc nhỏ được phục vụ ở các nhà hàng Nhật Bản và chợ cá Noryangjin ở Seoul. Các xúc tu được cắt và ăn ngay khi chúng vẫn còn giãy giụa trên đĩa, hoặc nếu can đảm hơn, bạn có thể ăn sống cả con. Vấn đề là các giác hút trên xúc tu vẫn có khả năng dính cực chặt trong miệng hoặc cổ họng, dễ dàng gây hóc hay ngạt thở.
Nguồn: Zing
No comments: