Những biểu tượng nổi tiếng của các thành phố lớn ở Việt Nam

Khuê Văn Các cổ kính ở Hà Nội, tháp Trầm Hương có tính cách điệu cao ở Nha Trang... là những công trình nổi bật của các địa phương.

Thủ đô Hà Nội - Khuê Văn Các



Năm 2012, Quốc hội đã lựa chọn Khuê Văn Các - Văn Miếu mới là biểu tượng chính thức của thủ đô. Văn Miếu được xây dựng năm 1070 dưới triều vua Lý Thánh Tông. Đây cũng là trường đại học đầu tiên của Việt Nam, tượng trương cho tinh thần hiếu học của dân tộc. Còn Khuê Văn Các hoàn thành vào năm 1805, do Tổng trấn Bắc thành Nguyễn Bá Thành chỉ huy xây dựng.


Tháp Rùa được đông đảo du khách trong và ngoài nước biết tới.


Thành phố Hồ Chí Minh - Bến Nhà Rồng



Bến Nhà Rồng - Bảo tàng Hồ Chí Minh hiện nay đã được chọn làm công trình biểu tượng của thành phố. Công trình được xây dựng từ năm 1864 trên sông Sài Gòn. Nơi đây còn là bảo tàng Hồ Chí Minh, trưng bày rất nhiều hiện vật lịch sử, có giá trị văn hóa và nhân văn cao của dân tộc.

Hải Phòng - Nhà Hát Lớn



Nhà hát lớn thành phố Hải Phòng là một trong ba nhà hát lớn của Việt Nam được xây dựng vào thời kỳ Pháp thuộc, cùng Hà Nội và TP HCM. Công trình là một trong những di tích văn hóa tiêu biểu của lối kiến trúc thời Pháp thuộc, với lối trang trí phù điêu độc đáo cùng bố cục hài hòa.

Thành phố Đà Nẵng - cầu Rồng



Đây là cây cầu thứ 7 bắc qua sông Hàn, được thiết kế giống hình con rồng và có thể phun lửa, nước. Cây cầu tượng trưng cho sự thịnh vượng của "thành phố đáng sống nhất Việt Nam". Website Viralnova cũng đã bình chọn cầu Rồng vào top những cây cầu đẹp nhất trên thế giới.

Thành phố Cần Thơ - Bến Ninh Kiều



Bên cạnh Nhà Lồng chợ cổ Cần Thơ với hình rồng uốn lượn được Ủy ban Nhân dân thành phố lựa chọn làm hình ảnh đại diện, bến Ninh Kiều là hình ảnh gắn bó và dễ nhận biết khi nhắc đến vùng đất Tây Đô. Được hình thành từ thế kỷ 19, bến Ninh Kiều nằm giữa ngã ba sông Hậu và sông Cần Thơ, là địa danh du lịch - văn hóa nổi tiếng, công trình đại diện cho nét đẹp thơ mộng bên bờ sông Hậu, đã đi vào thơ ca.

Thành phố Nha Trang - Tháp Trầm Hương



Công trình nằm ở quảng trường 2/4, cạnh bờ biển trung tâm thành phố, gồm có 3 tầng cấu trúc. Tầng 1 là công viên với hệ thống 5 cụm điêu khắc tạo hình sóng biển cách điệu, tầng 2 là thân tháp mang hình tượng kiến trúc giàu tính điêu khắc, tầng 3 là ngọn tháp mang hình lõi trầm cách điệu. Công trình tượng trưng cho sự kết tinh cao độ những thành quả của nền kinh tế văn hóa của thành phố, như một viên ngọc tỏa sáng.

Thành phố Huế - Ngọ Môn và Hoàng Thành



Nhắc tới Huế là nhắc tới quần thể di tích cố đô nổi tiếng, đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới. Ngọ Môn - cổng phía nam và cũng là cổng lớn nhất của Hoàng thành Huế - vốn chỉ dành cho nhà vua đi lại hoặc dùng để tiếp đón các sứ thần. Đây là công trình biểu tượng mang tính lịch sử gắn liền với thời kỳ hoàng kim của Huế.

Thành phố Buôn Ma Thuột - Tượng đài Chiến Thắng



Tượng đài chiến thắng đặt tại ngã sáu trung tâm, được xây dựng vào năm 2010, nhân kỷ niệm 35 năm giải phóng thành phố. Tượng đài mang hình mẫu bà mẹ Việt Nam lấy nguyên mẫu từ Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân Huỳnh Thị Hường (má Hai) - một trong những hình mẫu tiêu biểu cho hơn 10.000 người mẹ đã dẫn đoàn quân giải phóng tấn công vào Buôn Ma Thuột trong Tết Mậu Thân

Thành phố Nam Định - Cột Cờ Nam Định



Đây cũng chính là di tích lịch sử, văn hóa, được Nhà nước xếp hạng di tích quốc gia, biểu tượng tiêu biểu của lối kiến trúc Thành Nam.

Thành phố Vũng Tàu - Ngọn hải đăng Vũng Tàu


Hải đăng Vũng Tàu ằm trên đỉnh núi Nhỏ (núi Ba Phùng), được xem là công trình biểu tượng của thành phố biển. Được xây dựng vào năm 1862, đây là một trong những ngọn hải đăng cổ nhất của Đông Nam Á, gắn bó với lịch sử phát triển của thành phố.

Nguồn: Zing.vn

No comments:

Powered by Blogger.