Khám phá Dinh Bảo Đại - Đà Lạt
Bạn yêu ốc đảo trên núi - Đà Lạt vì cao nguyên thật kỳ bí?
Thành phố sương mù mang hơi thở của Pháp, khí hậu của Pháp và kiến trúc Pháp?
Hay vì nơi đây có biệt điện Dinh Bảo Đại danh tiếng?
Một công trình kiến trúc với điểm nhấn nhẹ nhàng, thấp thoáng rừng thông bao phủ xung quanh?
Dinh Bảo Đại Đà Lạt hiện nay là điểm đến thu hút khách du lịch bốn phương trong và ngoài nước. Du lịch Đà Lạt các bạn có thể khám phá lịch sử thời Vua Bảo Đại huy hoàng và thưởng ngoạn phong cảnh tuyệt đẹp nơi đây.
GIỚI THIỆU DINH BẢO ĐẠI ĐÀ LẠT
Dinh Bảo Đại Đà Lạt bao gồm Dinh I, Dinh II, Dinh III. Trong đó Dinh III là nơi được đông đảo du khách tham quan nhất vì đây là nơi sinh thời Vua Bảo Đại sống, sinh hoạt và làm việc và được bảo tồn nguyên vẹn nhất trong các dinh của Bảo Đại tại Thành Phố Đà Lạt.
KIẾN TRÚC DINH BẢO ĐẠI ĐÀ LẠT
Dinh Bảo Đại gồm có 3 Dinh:
1. Dinh I
Dinh 1 Bảo Đại, Đà Lạt, Lâm Đồng, Việt Nam. Nằm cách trung tâm Đà Lạt 4 km hướng Đông Nam, nằm trên một ngọn đồi cao 1.550m với những rừng thông bao quanh. Đi tới đường Trần Quang Diệu quý khách hỏi Dinh I ảo Đại người dân nơi đây sẽ chỉ các bạn đến Dinh I. Được một người Pháp triệu phú xây năm 1940, ông tên là Robert Clément Bourgery. Diện tích khu vực khoảng 60 ha, khi vua Bảo Đại nắm quyền đã mua lại vào năm 1949.
Dinh I là công trình kiến trúc độc đáo và cổ kính.
Khi Vua Bảo Đại cho sửa sang lại thì phát hiện một đường hầm phía sau Dinh I, Đường hầm này nằm ngay sau lưng Dinh 1 thông ra tận Dinh 2, dài gần 4km với các nhánh rẽ vào các biệt thự 11, 16, 18, 26 … Trần Hưng Đạo - người Nhật đã đào từ trước khi đảo chánh Pháp với ý đồ bắt sống các sĩ quan Pháp trong Dinh Toàn Quyền cũng như ở các biệt thự xung quanh. Vua Bảo Đại đã chỉ thị dấu kín bí mật đường hầm này.
2. Dinh II
Dinh II Bảo Đại năm trên đường Trần Hưng Đạo, Đà Lạt, Lâm Đồng, Việt Nam. Dinh II nằm trên một ngọn đồi thông có độ cao 1.540m so với mặt nước biển Dinh II còn gọi là "Dinh Toàn Quyền" là nơi làm việc của Jean Decoux. Công trình được xây dựng vào 1933 có tới 25 phòng sang trọng.
Hiện nay, dinh II được sử dụng làm nhà khách của Văn phòng UBND tỉnh Lâm Đồng
Để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho bản thân và gia đình, toàn quyền Jean Decoux đã cho xây dựng những đường hầm bí mật và kiên cố. Thời kỳ tổng thống Ngô Đình Diệm, Dinh II là nơi nghỉ mát của gia đình Ngô Đình Nhu và vợ là Trần Lệ Xuân. Tướng Nguyễn Khánh cũng chọn Dinh II làm Tổng hành dinh trong mùa nghỉ mát.
3. Dinh III
Dinh III Bảo Đại nằm ở Phường 4, tp. Đà Lạt, Lâm Đồng, Việt Nam. Xung quanh bao bọc bởi rừng thông còn gọi là rừng Ái Ân. Dinh III còn gọi là Biệt Điện Quốc Trưởng của Vua Bảo Đại. Bảo Đại là vị vua cuối cùng của triều đại phong kiến tại Việt Nam.
Dinh III là nơi ở và làm việc của Vua Bảo Đại
Cũng giống như Dinh I và Dinh II, Dinh III là công trình kiến trúc độc đáo đồ sộ, được xây vào năm 1933 gồm có 25 phòng rất sang trọng.
Biệt điện có 2 tầng:
Phòng tiếp khách của vua Bảo Đại.
Tầng trệt: dùng làm nơi hội họp, yến tiệc, tiếp khách ngoại quốc và quan chức chính phủ Hoàng triều cương thổ. Cửa chính diện rộng vừa phải (khoảng 4m), có sảnh trước khi vào tầng trệt là phòng tiếp tân và các phòng làm việc: bên phải là văn phòng của vua Bảo Ðại, thư viện; bên trái là phòng họp và các phòng làm việc khác; phía trong là phòng giải trí. Ðiều đáng chú ý là việc thiết kế các phòng làm việc của dinh được gắn với các tiểu cảnh kiến trúc không gian phía trong và ngoài thông với nhau qua các lối đi và cửa sổ kính bằng khung thép, tạo ra một khung cảnh hài hoà giữa kiến trúc và thiên nhiên.
Tại phòng khánh tiết vẫn còn một kỷ vật là bức tranh đền Angkor Wat do hoàng thân Shihanouk (Campuchia) tặng cho Bảo Đại.
Tầng lầu:
Phòng sinh hoạt của gia đình.
Toàn bộ tầng 2 của dinh được dùng cho sinh hoạt gia đình, gồm các phòng ngủ của Vua Bảo Ðại, của hoàng hậu Nam Phương, của các công chúa và hoàng tử Bảo Long, các công chúa Phương Mai, Phương Liên, hoàng tử Bảo Thăng.
Phía ngoài phòng ngủ của cựu hoàng là Lầu Vọng nguyệt khá đẹp dùng làm nơi cựu hoàng và hoàng hậu ngắm trăng. Do thái tử Bảo Long là người được chọn kế nghiệp ngai vàng (từ năm 1939) nên trong phòng trang hoàng toàn màu vàng.
Hiện nay, Dinh III còn được bảo tồn gần như nguyên trạng khiến cho du khách đến đây có thể cảm nhận một bầu không khí vừa trang nghiêm lại vừa gần gũi, ấm cúng của một gia đình hoàng tộc.
Nơi dành cho khách du lịch có thể đóng làm vua và hoàng hậu để chụp ảnh bên ngai vàng.
Đến đây chắc bạn có một chút gì đó se sắt chạnh lòng phải không?
Vua Bảo Đại, Hoàng Hậu Nam Phương, các hoàng tử, công chúa cùng một biệt điện lộng lẫy, huy hoàng một thời đã không còn?
Các bạn đi du lịch Đà Lạt đừng quên ghé thăm các dinh của Vua Bảo Đại nhé. Chúc các bạn có chuyến tham quan thoải mái và ý nghĩa nhất.
No comments: