Cuộc sống khốn khó của người dân tại rừng Amazon

Hơn 20 triệu người thuộc các bộ tộc thổ dân đang sinh sống trong lá phổi khổng lồ của trái đất. Hàng ngày, họ phải đối mặt với nạn phá rừng, đào vàng và hạn hán.


Rừng Amazon là một trong những nơi đẹp nhất trên trái đất. Khu rừng khổng lồ này bao phủ 40% diện tích Nam Mỹ, trải rộng hơn 5,5 triệu km2.


Lượng thực vật phong phú của Amazon tạo ra 20% oxy cho thế giới, khiến khu rừng này có tên “lá phổi của trái đất”.


1/10 số loài có mặt trên trái đất sinh sống dưới tán rừng, trong đó có con người. Khoảng 400-500 bộ tộc thổ dân coi Amazon là nhà.


Theo National Geographic, khoảng 50 bộ tộc trong số đó chưa bao giờ tiếp xúc với thế giới bên ngoài.


Một số nhóm người, như Yanomamo và Kayapo, được cho là đã định cư ở đây từ hàng nghìn năm trước. Mối quan hệ của họ với thiên nhiên vô cùng linh thiêng.


Ngay cả những người sống ở các khu đô thị vẫn dựa vào rừng để trồng trọt, dựng nhà, lấy thuốc và kiếm sống.


Thức ăn luôn được khai thác từ nguồn địa phương. Người dân thường săn các loài sống ở sông như cá, rùa và cá sấu.


Trong những năm gần đây, súng đã dần thay thế các vũ khí thô sơ như ống xì đồng, lao và tên tẩm thuốc độc.


Theo truyền thống, các nhóm săn bắt và hái lượm sống theo kiểu du mục. Họ ở một chỗ trong khoảng 4-5 năm, và chuyển đi sau khi đã khai thác hết tài nguyên thiên nhiên.


Tuy nhiên, sự thu hẹp diện tích rừng và sự xuất hiện của người không phải thổ dân đã khiến nhiều bộ tộc phải chuyển sang sống định cư.


Khai thác mỏ, phá rừng và hạn hán thường xuyên đe dọa cuộc sống của họ.


Gần 20% rừng Amazon đã bị chặt hạ trong 40 năm qua, nhiều hơn con số tổng cộng của 400 năm trước đó, kể từ thời người châu Âu bắt đầu tới đây.


Chính phủ Brazil đã nỗ lực giảm nạn phá rừng, với mục tiêu đạt 80% vào năm 2020, nhưng vẫn chưa đạt nhiều kết quả.


Năm ngoái, ảnh chụp vệ tinh của NASA cho thấy diện tích rừng bị chặt phá đã tăng 187% trong năm qua.


Một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng này là khai thác mỏ. Khi vàng hay dầu mỏ được phát hiện ở các khu vực hẻo lánh, thợ mỏ lập các khu khai thác chui và chặt hết cây cối.


Giá vàng tăng 360% trong thập kỷ qua, khiến ngày càng nhiều người nhập cuộc.


Hành động của họ đã gây ảnh hưởng nặng nề tới Amazon. Thợ mỏ không chỉ phá rừng mà còn làm nền rừng màu mỡ biến mất.


Khai thác mỏ cũng làm ô nhiễm sông suối do thủy ngân dùng để đãi vàng rò rỉ xuống nước. Lượng chất độc này sẽ nhanh chóng thâm nhập vào chuỗi thức ăn.


Hậu quả của việc phá rừng sẽ rất khủng khiếp: mất đi sự đa dạng sinh học, đảo lộn cuộc sống của các cư dân, và phá vỡ vai trò “lá phổi trái đất” của Amazon.

Nguồn: Zing.vn

No comments:

Powered by Blogger.