Lúa chín vàng khắp cả một vùng trời khiến bạn ngơ ngác vì đẹp
Nhiều người sẽ ngỡ như mình lạc bước vào "thiên đường hạ giới" khi phóng tầm mắt ra xa, ngắm nhìn thửa ruộng bậc thang vàng rực góc trời.
Tháng 9, tháng 10 là thời điểm vùng núi phía Bắc nước ta vào thu, hình ảnh những thửa ruộng bậc thang, thung lũng dưới chân đèo được phủ lên một tấm áo choàng óng ả màu vàng đẹp như tranh khiến không ít người cảm thấy nao lòng.
Ruộng bậc thang là một trong những hình thức canh tác trên địa hình dốc của nhiều dân tộc khác nhau trên thế giới. Đây là loại hình đầu tiên con người tác động vào tự nhiên để phục vụ sản xuất, đồng thời tạo ra cảnh quan thiên nhiên.
1. Ruộng bậc thang Hoàng Su Phì, Hà Giang
Nằm ở phía Tây của tỉnh Hà Giang, Hoàng Su Phì nổi tiếng với những thửa ruộng bậc thang tầng tầng lớp lớp.
Do ở vùng núi cao, địa hình khó canh tác, nhất là với nông nghiệp trồng lúa nước, người dân nơi đây khắc phục bằng cách chọn sườn đồi để tạo thành vạt đất bằng, xây nên những ruộng bậc thang.
Đây là hình thức canh tác hiệu quả được nhiều dân tộc thiểu số vùng miền núi phía Bắc nước ta áp dụng từ lâu và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nhưng ít ai ngờ, chính tài năng lao động ấy lại tạo nên một bức tranh thiên nhiên kỳ vĩ giữa đại ngàn.
Không chỉ là địa danh độc đáo thu hút khách du lịch mà ruộng bậc thang ở Hoàng Su Phì còn mang giá trị văn hóa sâu sắc, thể hiện ở kinh nghiệm canh tác... bởi lẽ đó mà Hoàng Su Phì đã được công nhận là Di tích Quốc gia ruộng bậc thang vào năm 2012.
Nếu có dịp lên Hà Giang vào tháng 9, tháng 10, bạn đừng quên ghé thăm Hoàng Su Phì nhé! Chắc chắn rằng, khung cảnh nơi đây sẽ không khiến bạn thất vọng.
2. Cảnh sắc ruộng lúa chín ở Mù Cang Chải, Yên Bái
Nằm dưới chân núi Hoàng Liên Sơn, ở độ cao 1.000m so với mực nước biển, những thửa ruộng bậc thang ở Mù Cang Chải (hay Mù Căng Chải) được ví như những phím đàn trời duyên dáng.
Ruộng bậc thang Mù Cang Chải càng đẹp, quyến rũ hơn khi vào mùa lúa chín (khoảng tháng 9, tháng 10) - khi mà hương sắc của "biển vàng" tỏa hương khắp núi rừng.
Hình ảnh những ruộng bậc thang tầng tầng, lớp lớp như nấc thang khổng lồ đưa bạn tới thiên đường. Ngập tràn trong hương thơm của mùa lúa chín, được phóng tầm mắt vào khoảng không bao la ở độ cao 1.000m hẳn sẽ là một trải nghiệm khó quên với những ai đặt chân đến Mù Cang Chải vào thời điểm này.
Trước vẻ đẹp thiên nhiên vừa kỳ vĩ, vừa nên thơ này, thật dễ hiểu vì sao những thửa ruộng bậc thang của ba xã La Pán Tẩn, Chế Cu Nha, Dế Xu Phình đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam xếp hạng là Danh thắng quốc gia.
3. Cảnh sắc ruộng lúa chín ở Tú Lệ, Yên Bái
Sẽ là thiếu sót lớn nếu như bạn đến Mù Cang Chải mà lại bỏ qua vùng đất Tú Lệ. Nằm sát sườn đèo Khau Phạ, tỉnh Yên Bái, Tú Lệ hiện ra với "hương thơm" ngào ngạt khiến bất cứ du khách nào đi qua cũng phải dừng chân nán lại để thưởng thức chút xôi nếp của đồng bào dân tộc Thái nơi đây.
Không chỉ vậy, bạn hẳn sẽ ngỡ ngàng trước những thửa ruộng nối tiếp nhau như những dải màu chuyển sắc. Càng đi sâu vào trong, sắc vàng của những thửa ruộng đã chín càng trở nên rực rỡ.
Nếu có dịp tới Tú Lệ vào tháng 9, bạn đừng quên dừng lại vài phút hít căng lồng ngực mùi thơm của lúa chín và cũng để cảm nhận sức sống căng tràn của thiên nhiên nơi đây.
4. Ruộng bậc thang ở Sa Pa, Lào Cai
Nhắc đến Sa Pa, nhiều người trong chúng ta sẽ nhớ ngay đến hình ảnh những ruộng bậc thang cứ xếp chồng lên nhau, nối qua hết dãy núi này đến dãy núi khác, tưởng như không bao giờ đứt đoạn.
Chính bởi vẻ đẹp mềm mại, uốn lượn và đặc biệt là màu sắc của những thửa ruộng hài hòa cực kỳ lãng mạn, quyến rũ nên vào năm 2009, Tạp chí Travel and Leisure của Mỹ đã công bố ruộng bậc thang ở Sa Pa là một trong 7 thửa ruộng bậc thang đẹp, kỳ vĩ nhất châu Á và thế giới.
Nếu không tin, hãy ghé thăm Sa Pa, bạn sẽ được ngắm nhìn màu xanh của lúa non, màu vàng của lúa chín hòa quyện với những “dải lụa” song song của đất, tất cả tạo nên một vẻ đẹp vừa hiền hòa vừa lôi cuốn.
Tháng 10/2013, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã quyết định xếp hạng Di tích quốc gia danh lam thắng cảnh đối với ruộng bậc thang Sa Pa.
Nguồn: Kenh14.vn
No comments: